Mốt bêu xấu chồng cũ trên mạng


Ngày càng có nhiều người Trung Quốc chọn cách bêu xấu một nửa trước đây của mình thông qua Internet, phần nhiều vì muốn trả đũa sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Phụ nữ Trung Quốc thường chọn Internet là công cụ để bày tỏ nỗi bất bình sau một cuộc hôn nhân thất bại. Ảnh: Chinasmack
Mặc dù việc vu khống và nói xấu sau ly hôn vẫn thường xuyên xuất hiện, nhưng việc đem những lời lẽ đó lên Internet lại đang phản ánh một trào lưu mới trong giới trẻ Trung Quốc.
"Mọi người bây giờ thích thể hiện cảm xúc cá nhân trên Internet, thông qua những trang mạng cá nhân hoặc các diễn đàn", Hao Peng, một cựu thẩm phán chuyên về các tranh chấp dân sự ở thành phố Bắc Kinh, nói.
Theo bà Hao, những tranh chấp này thường xảy ra giữa những cặp vợ chồng đã ly hôn từ một tới hai năm. Hồi năm ngoái, Hao từng phải đối mặt với một trường hợp rất điển hình, khi một người đàn ông 38 tuổi quyết định kiện vợ cũ vì tội xúc phạm anh ta thông qua những lá thư điện tử được gửi tới bạn bè và đồng nghiệp.
"Người phụ nữ này đã bị chồng ly hôn hai năm trước đó, nhưng cô ấy vẫn chưa thỏa mãn với việc phân chia tài sản", bà Hao kể lại.
"Vậy nên để tạo áp lực cho chồng cũ, cô ấy đã gửi một vài bức ảnh và những bài viết phê phán anh ta cho bạn bè, đồng thời công khai tên, địa chỉ và những thông tin cá nhân khác của anh ta trên một diễn đàn trực tuyến."
"Những chứng cứ cho thấy cô ấy làm tổn hại nghiêm trọng tới danh dự của chồng cũ. Chúng tôi đã yêu cầu cô ấy xin lỗi và đề nghị cô xóa những gì đã viết về chồng cũ trên diễn đàn", Hao cho biết, nói thêm rằng bà đã xử lý khoảng 5 vụ tranh chấp tương tự trong những năm gần đây.
Wang Huina, một thẩm phán ở Tòa án Quận Haidian, cho biết bà đã chứng kiến rất nhiều vụ việc tương tự, phần lớn trong số chúng đều liên quan tới những cặp vợ chồng trẻ. Wang nhắc tới một trường hợp xảy ra hồi tháng 4, khi một người đàn ông đã thắng vợ cũ của mình khi kiện cô tiết lộ thông tin cá nhân của anh lên mạng.
"Cả hai người đó đều còn rất trẻ, chỉ chưa đầy 30", Wang nói. "Người phụ nữ tin rằng chồng cũ của cô đã có được một cuộc sống hạnh phúc hơn sau khi họ ly hôn hồi năm 2010. Cô ấy thấy điều đó thật bất công. Vậy nên cô ấy trút giận bằng cách công khai những sự thật xấu xí về anh ta."
"Một số cặp đôi trẻ không học nổi cách giữ gìn sự riêng tư trong mối quan hệ của mình và bộc lộ mọi cảm xúc lên Internet."

Thể hiện để nổi tiếng

Cheng Yi, một thẩm phán chuyên về các tranh chấp dân sự tại Tòa án Nhân dân Quận Chaoyang ở Bắc Kinh, cho biết những vụ phỉ báng trực tuyến sau ly hôn thường xảy ra giữa những người nổi tiếng, như diễn viên, ca sĩ và doanh nhân.
"Họ hy vọng sẽ được công chúng chú ý bằng những tuyên bố gây sốc", bà nói. "Một số phụ nữ chọn cách chỉ trích hoặc phàn nàn về chồng cũ của họ trước công chúng, nhằm thu hút sự quan tâm và thấu hiểu."
Thực tế, song song với việc bùng nổ của các trang mạng cá nhân, nhiều cặp đôi đã quyết định xả nỗi bực tức của họ thông qua Internet. Cheng cho biết, bà đã nghe tới cả chục câu chuyện như vậy từ năm 2008.
"Rất khó để thu thập những chứng cứ nhằm chứng minh tội phỉ báng, và một số người có thể tự giải quyết tranh chấp của họ một cách kín đáo", Cheng nói. "Số lượng những vụ kiện vì tội phỉ báng không quá lớn, và chỉ một vài trong số đó có liên quan tới những cặp đôi đã tan vỡ."
"Trong xã hội hiện đại, một số thanh niên luôn tự cho mình là trung tâm của vũ trụ và coi thường cảm xúc của người khác, do đó họ rất dễ đi đến quyết định ly hôn. Đó chính là lý do tại sao vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề sau khi kết thúc một mối quan hệ", Gu Yue, thẩm phán cấp cao của Tòa án Nhân dân Số 1, Bắc Kinh, nói. "Internet, giống như một công cụ, cũng mang đến cho họ cơ hội để thể hiện quan điểm cá nhân."
Theo ông Gu, trình độ giáo dục không hề liên quan tới tình trạng hôn nhân. Ông cũng cho biết, tòa án luôn cố gắng giải quyết những vụ tranh chấp kiểu này thông qua phương án hòa giải.
"Một số người chọn việc gia tăng áp lực lên vợ hoặc chồng cũ của họ thông qua Internet, hy vọng có thể nhận được khoản bồi thường lớn hơn", ông cho biết, nói thêm rằng trả thù cũng là một nguyên nhân cần được tính đến.

Công cụ đòi quyền lợi

Theo bà Hao Peng, những người liên quan tới các vụ phỉ báng trực tuyến mà bà từng tiếp xúc thường có trình độ giáo dục cao và phụ nữ thường là bị đơn. "Một số phụ nữ nghĩ cuộc hôn nhân đã khiến trái tim họ tan vỡ, nên họ muốn cố gắng để giải phóng cảm xúc của mình", bà nói.
"Họ sử dụng Internet để chứng minh sự bất bình của bản thân mà không nghĩ việc đó sẽ xâm phạm tới lợi ích của người còn lại."
Jiang Yongping, một nghiên cứu viên chuyên về các mối quan hệ gia đình tại Viện Nghiên cứu Phụ nữ Trung Quốc, cho biết phụ nữ thường chọn hình thức phỉ báng trực tuyến khi cảm thấy lép vế trong cuộc hôn nhân đổ vỡ.
"Luật pháp và các quy định hiện tại không thể bảo vệ toàn bộ những quyền lợi của phụ nữ. Ví dụ, một số người đàn ông chọn cách chuyển giao quyền sở hữu tài sản của họ trước khi ly hôn, điều đó đồng nghĩa với việc người vợ sẽ không thể nhận được khoản phân chia công bằng sau khi kết thúc mối quan hệ."
Theo bà, Internet chính là công cụ đơn giản nhất để mọi người thể hiện sự bất bình của họ. Nó cũng nhanh hơn nhiều so với những cách gây hấn truyền thống.
"Mọi người thể hiện mặt khác của bản thân ở môi trường "ảo". Phụ nữ trong những trường hợp này thường nhắc tới những khuyết điểm của chồng cũ và gia đình của họ. Họ muốn cho cả thế giới biết điều đó và khiến càng nhiều người nghĩ xấu chồng cũ của họ càng tốt."

theo vnexpress.net

Posted by Unknown on 15:55. Filed under . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0

0 nhận xét for Mốt bêu xấu chồng cũ trên mạng

Leave comment

CÔNG NGHỆ
1

dailyvid

DU LỊCH

FLICKR PHOTO STREAM

2010 BlogNews Magazine. All Rights Reserved. - Designed by SimplexDesign