Tránh hành động ‘cưỡng ép, đe dọa’ ở Biển Đông
TIN TỨC 01:45
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hối thúc các bên hữu quan tiến tới việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông và tránh các hành động đe dọa, cưỡng ép dẫn đến căng thẳng leo thang.
Họp báo chung ở Jakarta giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Indonesia, Ngoại trưởng Marty Natalegawa. Ảnh REUTERS |
Phát biểu sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa ở Jakarta ngày 3/9, Ngoại trưởng Clinton nêu rõ Mỹ đứng về bên nào trong các vụ tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, nhưng các nước trong khu vực nên làm việc, cộng tác với nhau để giải quyết tranh chấp, tránh việc đe dọa và sử dụng vũ lực. Bà cũng nhấn mạnh Mỹ có lợi ích an ninh quốc gia trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông và hy vọng các nước ASEAN sẽ đạt được tiến bộ trước Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 tới.
Ngoại trưởng Clinton tuyên bố: “Mỹ không đứng về bên nào trong các vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo này, nhưng chúng tôi tin rằng các quốc gia trong khu vực cần cộng tác với nhau để giải quyết tranh chấp - không có sự ép buộc, không đe dọa và tất nhiên là không sử dụng vũ lực".
Biển Đông là một trong một số điểm nóng đã nổi lên kể từ khi chính quyền Obama công bố chuyển sự quan tâm của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau nhiều năm tham chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.
Ngoại trưởng Clinton sẽ đến Bắc Kinh vào ngày 5/9 để các quan chức hàng đầu Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch nước đang mãn nhiệm Hồ Cẩm Đào và Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, người dự đoán sẽ trở thành lãnh đạo Trung Quốc sau khi Đại hội lần thứ 18 kết thúc vào cuối năm nay.
Theo bà Clinton, đã đến lúc phải làm cho “sóng yên biển lặng” và cách tốt nhất để làm điều này là xây dựng được một bộ qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Bà hy vọng không một bên hữu quan nào “tiến hành bất kỳ biện pháp nào dẫn đến căng thẳng leo thang hoặc làm bất cứ điều gì có thể bị coi là cưỡng ép hay đe dọa để thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ”. Điều quan trọng là “có được một cơ chế xử lý khả năng bùng nổ xung đột hoặc tính toán sai lầm” vì lợi ích của tất cả các bên và “đây chính là thời điểm dành cho ngoại giao".
Ngoại trưởng Clinton cho biết thêm: “Tôi sẽ thảo luận về những vấn đề này ở Bắc Kinh với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đạt được tiến bộ trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (tổ chức vào tháng 11/2012)”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Indonesia, Marty Natalegawa, cho biết ông tin tưởng rằng các nước ASEAN phối hợp hành động về vấn đề Biển Đông. Ông Natalegawa đã có các cuộc thảo luận "thẳng thắn" về chủ đề này với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, trong một nỗ lực ngoại giao gần đây của Indonesia nhằm đưa tất cả các bên trở lại bàn đàm phán.
Ngoại trưởng Natalegawa nói: “Tôi nghĩ con đường ở phía trước chúng ta là khá rõ ràng. Nếu không có tiến trình ngoại giao, chắc chắn sẽ xảy ra nhiều sự cố và căng thẳng hơn trong khu vực”.
Chuyến công du hiện nay của Ngoại trưởng Clinton bắt đầu ở Nam Thái Bình Dương - nơi Bắc Kinh đang nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng – và kết thúc tại thành phố cảng Vladivostok, nơi bà có cơ hội thúc đẩy sự can dự của Mỹ với các nhà lãnh đạo khu vực.
Sưu tầm bởi: www.docthem.blogspot.com