Vì sao hải quân Trung Quốc vẫn chỉ ‘luẩn quẩn gần bờ’?
THẾ GIỚI 01:43
Mặc dù hiện đang sở hữu một lực lượng hùng hậu bao gồm các loại tàu chiến, tàu ngầm hay thậm chí là cả một tàu sân bay chuẩn bị được biên chế chính thức, nhưng hải quân Trung Quốc vẫn còn non yếu cả về kinh nghiệm, tinh thần chiến đấu lẫn năng lực của vũ khí, khí tài.
Tàu sân bay Varyag tân trang của Trung Quốc cũng chỉ được thử nghiệm gần bờ.Ảnh freerebuplic.com |
Báo cáo của Cục tình báo hải quân Mỹ mới được công bố gần đây cho biết, hiện nay hải quân Trung Quốc đang có tới 50 tàu ngầm các loại và 74 tàu khu trục, tàu hộ vệ hiện đại nhưng đội ngũ này khó có thể giúp Trung Quốc có được một tiếng nói “có trọng lượng” trong khu vực cũng như thế giới bởi vì hầu hết chỉ quen hoạt động loanh quanh gần bờ, ít khi dám đi tuần tra viễn dương, năng lực chống ngầm và chống thủy lôi rất thấp cũng như ý chí chiến đấu chỉ vào dạng “thích bắt nạt tàu cá láng giềng”.
Nhưng những nhược điểm này chưa phải là nghiêm trọng nhất. Nhật báo “Đông Phương” của Hong Kong mới đây còn chỉ ra rằng, sở dĩ hải quân Trung Quốc chưa thể “to tiếng” là vì đang thiếu một lực lượng không quân hải quân và thủy quân lục chiến.
Báo cáo của chuyên trang điện tử về chiến lược quân sự StrategyPage cho biết phải đến tháng 11/1985 hải quân Trung Quốc mới dám thực hiện chuyến đi nước ngoài đầu tiên là ghé thăm Pakistan. Sau đó, tháng 5/1986, biên đội hỗn hợp thuộc hạm đội Bắc Hải của hải quân Trung Quốc mới lần đầu tiên hoàn thành mục huấn luyện “hợp đồng tác chiến viễn dương”. Bản báo cáo này còn khẳng định, cho tới tận năm 2005, không có một chiếc nào trong số 50 tàu ngầm của Trung Quốc tiến hành tuần tra viễn dương và phải đến sang năm 2008, đội tàu ngầm này mới thực hiện được 12 chuyến “đi xa”. Tính trung bình, cứ 4,5 năm tàu ngầm Trung Quốc mới có cơ hội đi tuần tra viễn dương 1 lần. Một mật độ quá thưa thớt so với tỷ lệ mỗi năm đi tuần tra viễn dương một lần của 1 chiếc tàu ngầm Mỹ.
Cũng theo chuyên trang StrategyPage, kể từ khi được biên chế chính thức vào hải quân đến nay, tàu ngầm hạt nhân chiến lược 092 lớp Hạ của Trung Quốc chưa một lần được đi tuần tra viễn dương. Hiện Trung Quốc có khoảng 74 tàu khu trục và tàu hộ vệ và nếu cứ giữ mật độ này, phải 5 năm nữa tất cả các tàu chiến chủ lực của Trung Quốc mới được trải nghiệm thực chiến viễn dương. Nếu so sánh với tiêu chuẩn, còn rất lâu nữa Trung Quốc mới có thể được “ngồi vào mâm” của các cường quốc về hải quân chính vì sự non kém kinh nghiệm này.
Chưa hết, dù có đội tàu chiến khá đông đảo nhưng hầu hết các tàu này của Trung Quốc đều không có năng lực chống ngầm hay chống thủy lôi. So sánh về tương quan lực lượng, khoảng 10 năm nữa, các quốc gia khác ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ bổ sung khoảng 90 chiếc tàu ngầm hiện đại. Đáng chú ý là các quốc gia có “đụng chạm” với Trung Quốc như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia hay Việt Nam đều sẽ được bổ sung đội tàu ngầm đạt mức tiên tiến của thế giới. Với một năng lực chống ngầm yếu kém như hiện nay, Trung Quốc sẽ “dọa” được ai trong số các quốc gia trên?
Trên trang tin về năng lực quốc phòng nổi tiếng là SinoDefence (Anh), điểm yếu này một lần nữa bị mổ xẻ. Theo SinoDefence, trước đây các tàu khu trục và hộ vệ của Trung Quốc đều không có năng lực chống ngầm còn các tàu mới được hạ thủy gần đây dù đã có trang bị vũ khí thiên về phòng không và chống ngầm nhưng lại thiếu các sonar hiện đại cần thiết cho việc phát hiện và dò tìm tàu ngầm có độ ồn thấp hay các loại trực thăng chống ngầm cỡ lớn. Thông thường, các tàu chiến của Mỹ đều được trang bị máy bay tuần tra chống ngầm P3 và máy bay chống ngầm P8I. Xét một cách toàn diện, năng lực chống ngầm kém của hải quân Trung Quốc là do lực lượng không quân của hải quân nước này quá yếu.
Nhược điểm chết người tiếp theo của hải quân Trung Quốc là khả năng tự bảo vệ trước thủy lôi vô cùng kém cỏi. Trang mạng StrategyPage trích dẫn đánh giá của Cục tình báo Hải quân Mỹ cho rằng, dù có đội tàu chiến đông và mạnh nhưng chỉ cần đối phương thả vài trăm quả thủy lôi là toàn bộ các tuyến đường biển của Trung Quốc sẽ phải đóng cửa và nếu Trung Quốc có ý định “thống nhất Đài Loan” thì cũng chỉ cần một lượng thủy lôi vừa phải phong tỏa Eo biển Đài Loan, lực lượng hải quân Trung Quốc sẽ trở nên gần như vô dụng.
Tác giả bài báo đăng trên tờ “Đông Phương nhật báo”, Tư Mã Thành kết luận, nếu xét về lực lượng hiện tại, hải quân Trung Quốc vẫn còn quá yếu. Muốn trở thành một cường quốc về hải quân, Trung Quốc cần phải có đội tàu chiến viễn dương hùng mạnh nhưng đội tàu này phải được hỗ trợ bởi một lực lượng hỗ trợ “khủng” không kém bao gồm các tàu chở dầu, tàu hậu cần và sửa chữa cỡ lớn cùng với lực lượng không quân hải quân và thủy quân lục chiến rất mạnh đi kèm. Với biên chế như hiện nay, các hải đội viễn dương của Trung Quốc khi đi xa thậm chí còn khó tự bảo vệ bản thân mình. Đó là lý do vì sao hải quân Trung Quốc vẫn chỉ luẩn quẩn gần bờ.
Sưu tầm bởi: www.docthem.blogspot.com